Sài Gòn – đến và yêu

Sài Gòn – đến và yêu

I. Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời:

Lần đầu đặt chân tới Sài Gòn, những nơi tôi đến là những nơi phồn hoa nhất, nơi mà  tại đó ánh đèn sáng trưng suốt ngày đêm, lúc đó SG vừa lạnh lùng vừa kiêu sa. Tôi tới Au Manoir De Khai, Stix ,tòa nhà Bexico, Hotel Majestic… Sài Gòn trong mắt đứa trẻ con như tôi khi đó thật là choảng ngợp.

Những lần tiếp theo tôi ngang qua Sài Gòn là những ngày « lặng lẽ » trong Chill Skybar – Dining, Glow Skybar, PANDORA Sky Lounge… bar club to nhỏ tôi đều ngó tới, một mình hoặc với bạn. Nếu ai đã từng tới 1900 ở Hà Nội – nhạc xập xình trai gái nhảy múa thì Chill sky bar ở Sài Gòn hoàn toàn ngược lại, ở đây có phòng xì gà – nhạc êm dịu, bar đấy nhưng chẳng cuồng nhiệt, thay vào đó là vẻ tĩnh lặng, vừa quyến rũ vừa lả lơi. Đối với những người trung tuổi thì đây là không gian thư thái đáng để xài tiền thả ga, bởi rượi ở đây rất mắc, có khi uống vài ly thôi hóa đơn chục triệu là chuyện bình thường. Người ta bảo, đắt xắt ra miếng mà, điều thôi thích nhất ở đây lại chẳng phải rượi mà là mấy anh pha chế – dễ thương đúng chất Sài Gòn, vừa tế nhị vừa dịu dàng.

Thế nhưng sau tất cả, những gì tôi thấy ở Sài Gòn vẫn chỉ là một lớp áo mỏng che hờ hững những mảnh đời mà sau này tôi mới biết tới.

Lần gần nhất đây, tôi tới Sài Gòn, cũng là lần dài nhất tôi ở đây, sinh sống và làm việc. Tôi mới có thể cảm nhận được phần nào mảnh đất này, chút gì gần gũi, nhiều chút vất vả. Không còn tới những nơi xa hoa, không đi club nữa, bởi vì quỹ thời gian của tôi hầu như đã tiêu hết cho công việc.

Tôi nhìn thấy Sài Gòn nhiều khi hiền như một cô điếm.

Cô đẹp kỳ ảo, lung linh, xong đêm muộn trở về- hệt như mùa tết đến, trống trơn trống trọi như một ngôi nhà hoang.

Phải làm việc tại đây mới hiểu hết được,  tất thảy mọi người đều cày cuốc như một con thiêu thân. Sài Gòn muốn có tiền thì làm. Muốn điên cuồng giàu có, thì làm. Ở đây, trước một ông sếp già khó tính, hãy làm việc thật chăm chỉ với thái độ học hỏi tích cực, và được sống như chính con người thực sự. Không có sự so đo chèn ép nào, không ai có lịch sử, không cần đến quá khứ. Cứ làm việc, thiêu thân và sống.

II. SG vất vả mà yêu:

Chuyện ông ba bị
Hồi còn bé, tuổi thơ của tôi có phần nào đó gắn với ông ba bị, ông ấy hay xuất hiện trong bữa ăn của tôi, mẹ thường hay dọa rằng: » ăn không ngoan ông ba bị đến bắt đấy »… Ngày đó hình ảnh của ông ba bị là một người man rợn chuyên dọa nạt trẻ con, ông ấy sẽ bắt trẻ con vào cái bị to và mang bán, nghĩ thôi đã rùng mình rồi.

Sau này lớn lên, qua lời chị Khải Đơn tôi mới biết  xuất xứ của « ông ba bị »- người mang một cái bị, bỏ xứ sở mà đi, mưu sinh tội nghiệp và đơn độc biết bao – hình ảnh ấy cứ mãi đau đáu trong người con xứ Nam Kỳ: không quê hương, rời bỏ, cô thế, đơn độc, tìm một chốn náu ẩn thân.

Những người tha hương đến thành phố sinh sống như chúng tôi đây, thật sự chẳng khác gì « ông ba bị » trong truyền thuyết cả. Không thể níu một nhớ một quá khứ vất vả, không giám nhìn nhau ghét bỏ hận thù….Chúng tôi phải sống cùng nhau, và yêu nhau để sống. Phải luôn tay đổ mồ hôi làm việc. Phải cười, để nhìn nhau không…thấy ghét.

Những con người đã cố gắng đến đây, cùng chung sống với nhau trong cuộc mưu sinh dài vất vả và nặng ước vọng, thật đáng trân trọng. Chẳng phải đời đã đủ mệt rồi sao, cừơi với nhau một câu là đủ, thời gian đâu mà ghét bỏ nhau nữa.

Sống như chính mình ao ước…

Dù không quê hương

2. Sài Gòn vất vả.

Đâu khó để bắt gặp các cô gánh hàng nước trà đá vỉa hè tại thành phố này, quen thuộc nhất là hình ảnh gồng gánh kệ hàng trên đôi vai phụ nữ gầy gò, dưới cái nắng SG gay gắt. Tôi hay để ý những thứ tiểu tiết, và thích quan sát, có khi mải miết nhìn cô trà đá ngoài vỉa hè, chùng tay rót nước hào phóng, rồi tiện miệng lắc đầu bảo không lấy tiền ông già đẩy xe lăn qua mua nước giữa trưa. Có lần vô tình trở nên dễ xúc động, nước mắt lã chã khi nhìn thấy cảnh bà lão bán vé số đứng khóc khi bị giật mất hàng mà bản thân mình không thể làm điều gì để giúp.

Sợ cô đơn, sợ tuyệt vọng, người ta tự thắp hy vọng vào tim người khác, để tự ấm mình, khỏi cảm thấy lạc lõng giữa bức trành hỗn loạn của thị thành, như chị bán trà đá với ông già đẩy xe lăn vậy. Có thứ gì đó – niềm tin – giữ những con người chung số phận vất vả chăng.

3. Sài Sòn – tại sao để yêu?

Có hôm khác nữa đạp con xe đạp lọc xọc trên đường về nhà, xe đang bon bon trên đường mà hoa mắt kiểu gì tông phải con chó, rồi rúc thẳng vào hàng rào. Chủ nhà nghe cái rầm chạy ra thì thấy xe một nơi, người một nơi. Ổng hỏi:

– Sao hông mầy?
– Dạ không.

– Chứ mầy đang tìm gì vậy?
– Dạ con đang tìm con chó, coi thử nó có sao không.

Xong cái dựng xe dậy thấy cái bàn đạp ăn nhập gì với cái xe, dắt thử thì cứng ngắt. Thế là ráng chạy tìm chổ sửa, mà chạy đâu được 50m thì nghe thấy kẹt một tiếng, xích tung tăng nhảy múa khỏi hộp xe đạp, thôi xong rồi, đứt xích còn đâu, đã thế xích nó quấn các kiểu làm không thể dắt được xe,  thế là gọi thằng bạn tới, hai đứa chỉ còn nước bế xe lên và đi thôi.

Đi được 10m, có gã kia đang nhậu chạy ra:

– Tao phụ nữa.

Đi thêm 20m, tay bán hủ tiếu bên vỉa hè thấy kêu:

– Kẹt xích rồi, mầy lấy cơ lê chọt vô thử coi.

Mình lấy cơ lê ra, gã nhậu rọi pin, mình hì hục chục phút không được. Gã hủ tiếu thấy lại kêu:

– Mẹ, chọt như mầy sáng mai đéo xong.

Làm xong tô hủ tiếu cho khách, gã cũng ra ngồi hì hục với mình mà cũng không được. Xong cái gã kêu:

– Mẹ nó, để đó đợi tao vô làm tô hủ tiếu xong ra sửa tiếp.

Gã lại lay hoay thêm một chặp mới bẻ được cái xích ra ngoài. Mình, gã nhậu, gã hủ tiếu với thằng bạn điều ôm nhau nhảy.

Mình cảm ơn hai gã. Gã nói:

– Ơn nghĩa mẹ, mấy việc như vậy hông cần phải gọi là người tốt hay việc tốt, đó là chiện bình thường như sáng cà phê, tối cơm tấm, hiểu hông?

Mình ngồi một lúc ăn mấy bát hủ tiếu của gã bán hủ tiếu rồi về, mai mốt chắc xách chục bia với con mực khô tới lai rai với gã chơi.

Đấy, Sài Gòn dễ thương vậy đấy.

Ôi dài quá, đi ngủ rồi khi nào đấy rảnh lại viết tiếp, viết chuyện đi câu cá, chuyện Thủ Thiêm, chuyện phượt 980km SG – Đà Lạt, chuyện công ty, chuyệt hột vịt kho… có nhiều thứ để kể, ấy vậy mà có khi chỉ có « Sài Gòn – đến và yêu 1 » thôi không có « Sài Gòn – đến và yêu 2 » đâu vì …lười 😀

0 nhận xét trong bà i " Sài Gòn – đến và yêu "

Đăng nhận xét